Thực trạng
Từ ngày 18-22/9 vừa qua, một số khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh có hiện tượng mây mù, nhất là khu vực gần sông Sài Gòn.

TP.HCM chìm trong sương mù - Ảnh: Phan Thị Khánh (Do Change cung cấp)
Nguyên nhân
Ông Cao Tung Sơn (Giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Những ngày gần đây (18 - 22.9), trên địa bàn TP, đặc biệt là khu vực nội thành xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa gây cản tầm nhìn và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đây là hiện tượng thời tiết bất lợi đặc thù thường xuyên trên địa bàn TP vào tháng cuối mùa mưa (tháng 9, 10) và thời điểm giao mùa đông xuân (tháng 1, 2).
Tòa nhà Landmark 81 chìm trong sương mù - Ảnh: Châu Tuấn
Theo Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN-MT TP.HCM), các thông số bụi mịn, siêu mịn ở TP những ngày qua vượt chuẩn nhiều lần. Kết quả quan trắc tại 30 vị trí quan trắc môi trường không khí trong tháng 9.2019 cho thấy chất lượng môi trường không khí từ ngày 3.9 đến 20.9.2019 có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm như: bụi lơ lửng, PM10, NO2, SO2, CO, PM2,5 trong các ngày 18 - 20.9. Đặc biệt các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2,5 có tỉ lệ vượt chuẩn tăng 25-50% trong ngày 20.9.
Giải thích
Sương mù quang hóa làm bầu trời TP.HCM như có một màu trắng đục nhưng không phải là loại sương mù do độ ẩm không khí gây ra.
Sương mù quang hóa sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên các loại khí thải như: khí thải động cơ của các phương tiện giao thông, công nghiệp, sinh hoạt của người dân… tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn ngang. Đây là một dạng ô nhiễm không khí.
Trong những ngày qua do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống khiến thời tiết TP. HCM luôn ở tình trạng nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết khiến hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù. Ngoài ra, do trời không có nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho không khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được, lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan.
Hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra tại TP. HCM mang tính chu kỳ kéo dài khoảng 6-7 ngày trong khoảng tháng 9-10, xuất hiện trong khoảng 5 năm trở lại đây. Cụ thể, trong các ngày 1-7/10/2015; 12-15/10/2016; 16-18/01/2018 và ngày 18-22/9 năm nay thành phố xuất hiện hiện tượng này và khiến người dân dễ gặp các bệnh về hô hấp và mắt.

Khu vực trung tâm TP.HCM bị sương mù bao phủ - Ảnh: Châu Tuấn
Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường TP thông tin trong vài ngày tới, chất lượng không khí sẽ được cải thiện khi gió mùa Đông Bắc chiếm ưu thế, bức xạ mặt trời loại bỏ lớp nghịch nhiệt làm cho các chất ô nhiễm phát tán lên cao.
Khuyến cáo
Người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông hay các hoạt động ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài, người dân cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt. Đồng thời, người dân nhớ nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, hạn chế sử dụng nước mưa, tránh phơi thực phẩm, thực phẩm ngoài trời.
Các loại bụi tăng 25-50% trong các ngày qua
gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân - Ảnh: Quỳnh Danh.
Kết luận
Tình trạng ô nhiễm môi trường sống tại TP. HCM và nhiều nơi trên thế giới đang ở mức báo động mạnh. Những “lá phổi xanh” của Mẹ thiên nhiên cũng đang bị phá hoại và chết dần càng làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng hơn. Chỉ có chúng ta, những người con của Mẹ thiên nhiên, hãy trưởng thành và chở che lại cho Mẹ hiền của chúng ta. Cùng hành động để chung tay bảo vệ môi trường bằng những việc thật nhỏ trong cuộc sống hàng ngày nhé!
(Tổng hợp)